Tin nổi bật

Thiệt hại do côn trùng gây ra trong quá trình bảo quản
Kho bảo quản
    
    1. Thiệt hại do côn trùng gây ra trong quá trình bảo quản trên thế giới

Theo kết quả điều tra của FAO, hàng năm trên thế giới, mức tổn thất của lương thực trong kho bảo quản từ 6 - 10 %, ở Mỹ là 5 % so với tổng số lương thực sản xuất. Ở các nước Châu Á, Châu Mỹ La tinh và Châu Phi, mức thiệt hại này là 10 %, riêng ở các nước có trình độ bảo quản nông sản còn thấp và vùng khí hậu nhiệt đới thì mức tổn thất lương thực lên đến 20 %. Sự tổn thất lương thực trong kho, phần lớn là do sâu mọt gây ra.

Hurlocle (1967), qua thực nghiệm với loài mọt răng cưa Oryzaephilus surinamensis L. đã xác định tốc độ tăng trưởng của hơn 100 cá thể mọt trưởng thành ban đầu, có thể đạt tới hơn 12 triệu con trong vòng 03 tháng và trong thời gian này chúng tiêu thụ đến 54 kg lương thực trung bình/1 tháng. Còn Moore và ctv. (1966), đã nghiên cứu sự mất mát lương thực do ngài thóc nhỏ Sitotroga cerealella gây ra, nhận thấy để hoàn thành một vòng đời bên trong hạt thóc, một cá thể ngài đã sử dụng hết 32,9 mg trọng lượng hạt, tương ứng tỷ lệ tổn thất về trọng lượng là 10,35 %.

Ở Cộng hoà liên bang Ðức chỉ riêng một loài mọt thóc Sitophilus granarius L. đã làm thiệt hại trên 100 triệu mác, tác giả Schulze (1964), ghi nhận riêng năm 1957 cũng ở nước này đã có 379.919 tấn ngũ cốc, 1.382 tấn quả khô và 19.641 tấn hạt có dầu bị hư hại do côn trùng gây ra đến mức không thể sử dụng được. Theo Reed và ctv. (1937), ở Mỹ thiệt hại ngô do các loài mọt bột mì Tribolium spp. gây ra khoảng 28 triệu đôla (trích dẫn bởi Bùi Công Hiển, 1995).

Kết quả nghiên cứu của các tác giả Mỹ về mất mát ngũ cốc sau thu hoạch vào năm 1967 ở các nước công nghiệp phát triển đã lên đến 42 triệu tấn, tức bằng 95 % tổng sản lượng thu hoạch của Canada hay bằng gấp đôi sản lượng lương thực của nước ta trong năm 1992 (trích dẫn bởi Bùi Công Hiển, 1995). Theo Powlay (1963), ở Mỹ mất mát hàng năm trong các kho tồn trữ ngũ cốc thường dao động từ 15-23 triệu tấn, trong đó côn trùng gây hại từ 8-16 triệu tấn.

Các nước Mỹ La Tinh thiệt hại được đánh giá vào khoảng 25 - 50 % đối với các mặt hàng ngũ cốc và đậu đỗ, còn ở Châu Phi thiệt hại khoảng 30 %, ở khu vực Ðông Nam Á những năm qua đã xảy ra dịch hại lớn do côn trùng gây ra đối với ngũ cốc làm tổn thất trên 50 %. Hall (1970) và Snelson (1987), cho rằng dù đã có những cố gắng thường xuyên và liên tục, các chuyên gia về bảo quản chỉ mới đạt được một số kết quả trong việc bảo quản ngũ cốc lâu dài ở vùng ôn đới nhưng rất ít kinh nghiệm ở vùng nhiệt đới, đặc biệt là vùng nhiệt đới ẩm.

Theo FAO (1982), một số côn trùng trước đây được coi là những loài phá hại thứ yếu nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thì chúng trở thành hiểm hoạ, như loài mọt đục hạt lớn Postephanus truncatur Horn, trước đây tồn tại như một loài gây hại thứ yếu ở Trung Mỹ, Brazin, Columbia và miền Nam nước Mỹ, nhưng sau đó tại Châu Phi chúng gây những thảm cảnh cho các kho trữ ngô. Các thông báo chính thức cho biết sự thiệt hại về trọng lượng lên đến 34 % ở các kho trữ ngô và khoảng 70 % ở các kho trữ ngũ cốc.

    2. Thiệt hại do côn trùng gây ra trong quá trình bảo quản ở Việt Nam

Ở nước ta, theo thực nghiệm của Bộ môn nghiên cứu côn trùng trực thuộc Tổng cục lương thực (1957 - 1974), nếu công tác phòng trừ sâu mọt trong kho không tốt, hàng năm chúng ta sẽ bị hao hụt từ 3 - 10 % số lượng nông sản dự trữ. Tính trung bình đối với các loại hạt tổn thất sau thu hoạch khoảng 10 %, đối với các loại cây có củ là từ 10 - 20 %, còn với rau quả từ 10 - 30 %.

Năm 1995 sản lượng lúa thiệt hại khoảng 10 %, ước tính khoảng 2,3 triệu tấn. Với các loại rau củ khoảng 20 %, với sản lượng 2,005 triệu tấn khoai lang, 722.000 tấn khoai tây và khoảng 3,112 triệu tấn khoai mì. Ðối với ngô số hao hụt hàng năm có thể lên đến 100.000 tấn (Trần Minh Tâm, 2000).

Theo kết quả báo cáo của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (2002), thiệt hại về gạo do côn trùng gây ra trong kho bảo quản vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long khoảng 18 %.


Tư vấn và khảo sát miễn phí mời liên hệ hotline: 0904 813 959

Các tin khác