Đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 58.246 ca mắc, 17 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Dịch sốt xuất huyết hiện đang rất căng thẳng tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam
Trước tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trong cả nước, chiều 24/7, Bộ Y tế đã có buổi họp khẩn giữa hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM.
PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 58.246 ca mắc, 17 trường hợp tử vong. Số mắc tăng 9,7% so với cùng kỳ của năm 2016.
Đặc biệt, tại miền Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh và diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều, sản sinh ra ổ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Số người bệnh ở các tỉnh miền Bắc tăng 763% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ đầu năm, Hà Nội ghi nhận 6.699 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội nhận định tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm và diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố có thể tiếp tục gia tăng, do thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh.
Các chuyên gia truyền nhiễm cho biết, biến chứng hay gặp của sốt xuất huyết năm nay là tình trạng suy thận, tổn thương gan và xuất huyết não.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng hướng dẫn người dân nhận diện muỗi đốt truyền bệnh sốt xuất huyết.
Theo đó, loại muỗi vằn khoang trắng, khoang đen, thường đốt người từ 8 – 10 giờ sáng. Đây cũng là loại muỗi ưa sạch, chỉ đẻ trứng trong vùng nước đọng sạch nên mối nguy sốt xuất huyết tiềm ẩn ngay xung quanh các hộ gia đình khi có các bể, các dụng cụ chứa nước đọng lộ thiên…
Bộ trưởng Y tế khuyến cáo mọi người nếu thấy sốt cao đột ngột phải vào viện gần nhất để khám. Mọi người không nên đổ xô lên tuyến Trung ương bởi tình trạng quá tải nằm ghép khi có quá nhiều bệnh nhân sẽ gây nên tình trạng nhiễm chéo bệnh. Sốt xuất huyết nếu phát hiện sớm sẽ có cơ hội điều trị dự phòng sớm để giảm nguy cơ xuất huyết do bệnh diễn biến rất nhanh, khi bị xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa…
Những ngày đầu và chưa có những dấu hiệu cảnh báo thì chỉ cần theo dõi, uống thuốc hạ sốt, bù nước …
Chỉ khi có những dấu hiệu cảnh báo như hạ tiểu cầu, xuất huyết, tổn thương chức năng thận, chức năng gan, mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt… thì mới cần nhập viện để điều trị và theo dõi sát sao.