Tin nổi bật

KIẾN THỨC CHUNG VỀ MỐI
Nhiều loài kiến làm tổ trong nhà, bò vào lấy thức ăn của con người, làm  mất vệ sinh. Nhưng chúng không gây hại đáng kể cho công trình. Nhưng nhiều loài mối khi xâm nhập vào công trình chúng thường gây nên các tổn thất nặng nề cho công trình.

Loại mối nào nguy hại nhất? nhận biết chúng ra sao?
Mỗi đối tượng; nhà cửa, kho tàng; đê đập và cây... bị các loài mối gây hại ở mức độ khác nhau. Riêng với nhà cửa, kho tàng ở nước ta thì mức độ gây hại nghiêm trọng nhất thuộc về các loài mối thuộc giống coptotermes (còn gọi là mối gỗ ẩm), tiếp theo là các loài thuộc nhóm mối đất, tập trung trong 2 giống Odontotermes và Macrotermes, cuối cùng là nhóm mối gỗ khô, thuộc giống Cryptotermes.
Các loài mối coptotermes làm tổ ngầm trong nền móng công trình, trong cây, hoặc kết cấu khác của công trình, đường mui chủ yếu là đơn lẻ, chúng hoạt động ở nhiều tầng cao thấp khác nhau của công trình.
Các loài mối đất chỉ làm tổ trong đất, trong tổ luôn có vườn nấm Termitomyces, chúng kiếm ăn chủ yếu ở tầng 1, đường mui thường phủ kín thành mảng rộng trên bề mặt gỗ.
Các loài mối gỗ khô chỉ làm tổ trong các cấu kiện gỗ, số lượng cá thể của một tổ thường chỉ có vài trăm con. Phân chúng đùn ra từ trong gỗ có dạng hạt rau cải.

Mối có bao nhiêu loài, xác định loài có ý nghĩa gì?
Trên thế giới mối có trên 2.700 loài. Các loài mối có đặc điểm khác nhau về: cấu trúc tổ (có loài làm tổ nổi trên mặt đất, có loài làm tổ chìm, có loài làm tổ trên cây); đặc điểm dinh dưỡng (có loài chuyên ăn gỗ khô, có loài chuyên ăn gỗ ẩm, có loài chuyên ăn mùn gỗ); có loài đắp đường mui, có loài không đắp đường mui khi đi kiếm ăn…
Ở Việt Nam, hiện đã phát hiện 106 loài mối. Trong đó có một số nhóm loài gây hại thường gặp là các giống: Coptotermes, Odototermes, Macrotermes, Microtermes, Hypotermes, Cryptotermes. Biện pháp phòng trừ đối với từng nhóm loài có sự khác nhau; các loài thuộc giống Coptotermes có thể dùng biện pháp nhử để đánh bả, nhưng các loài thuộc giống Cryptotermes thì không thể nhử được. Các loài thuộc nhóm gỗ ẩm có thể dùng phương pháp lây nhiễm hóa chất để diệt tổ, nhưng các loài thuộc nhóm mối đất lại không thể áp dụng được biện pháp này. Vì vậy cần phải xác định công trình đang bị nhóm mối nào gây hại để sử dụng giải pháp xử lý thích hợp thì mới mang lại hiệu quả mong muốn.

Mối gây hại gì cho công trình?
Mối là nhóm côn trùng chuyên dinh dưỡng trên các nguồn thức ăn có chứa Xenlulô. Chúng có các đặc điểm chung sau đây: Hàm của mối đi kiếm ăn là hàm nhai nghiền nên chúng có thể gặm được các loại gỗ cứng, chúng cũng có thể cắn phá được cả những vật liệu bằng plastic. Khi đi kiếm ăn chúng thường đắp đất tạo thành lớp bảo vệ ở nơi kiếm ăn. Một số loài có khả năng khoét đất tạo khoang rỗng trong lòng đất. Do đó tác hại mà chúng gây ra cho các đối tượng chủ yếu là:
- Phá huỷ các cấu kiện làm bằng gỗ trong công trình.
- Tiêu hủy các tài liệu, vật liệu là thức ăn của chúng.
- Phá huỷ hệ thống cáp điện ngầm và các thiết bị điện tử.
- Gây sụt lún cho nền móng công trình.
- Làm rỗng và gây dò rỉ, sụt lún cho thân đê, đập.
- Ăn rồng làm gãy, đổ và làm chết cây trồng.

Những nơi nào có thể bị mối gây hại
Mối là nhóm côn trùng ưa nhiệt, chúng chỉ phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nước ta nằm trong vùng hoạt động mạnh của mối. Từ Bắc đến Nam vùng nào cũng có mối, mối có mặt cả vùng nông thôn đến thành thị. Ngay tại các vùng núi, mối có mặt cả ở những đỉnh cao trên 1700m. Mặt khác nước ta chạy dài theo vĩ độ nên mỗi vùng có thành phần loài mối rất khác nhau.

Tại sao gọi mối là côn trùng xã hôị?
Trong một quần tộc mối, mỗi nhóm cá thể thực hiện các chức năng riêng biệt được gọi là thành phần đẳng cấp. Đàn mối chỉ tồn tại khi có đủ các thành phần đẳng cấp. Một quần tộc thường có các đẳng cấp cơ bản sau:
- Mối thợ (Termite worker) chiếm tỉ lệ cá thể lớn nhất trong tổng số cá thể của quần tộc, chuyên làm nhiệm vụ kiếm ăn, chế biến thức ăn, xây dựng tổ, chăm sóc con non và các cá thể khác trong đàn.
- Mối lính (Termite soldier) thường chiếm tỉ lệ nhỏ nhất trong quần tộc, chuyên làm nhiệm vụ đánh đuổi kẻ thù bảo vệ đàn.
- Mối vua (Termite King) và mối chúa (Termite Queen)  chuyên làm nhiệm vụ sinh sản trong trong quần tộc. Mỗi  quần tộc thường có 1 mối  vua và 1 mối chúa, nhưng cũng có trường hợp trong một quần tộc có đến vài  mối vua hoặc vài mối  chúa.
- Mối cánh là những cá thể sinh sản thành thục, sau khi bay phân đàn chúng cặp đôi tạo thành các tổ mối mới, độc lập với quần tộc cũ.
- Ngoài ra trong quần tộc còn có nhiều mối non, những cá thể sẽ trưởng thành và phân hóa thành các đẳng cấp theo sự điều khiển của quần tộc.
Sự tồn tại của quần tộc dựa trên sự phối hợp thực hiện các chức năng một cách tự giác của các đẳng cấp. Chúng đảm bảo cho sự cân bằng về dinh dưỡng, năng lượng, vi khí hậu trong tổ, chống lại được kẻ thù, đảm bảo duy trì nòi giống. Chính vì có các tập tính này mà mối được gọi là côn trùng xã hội.


Tư vấn và khảo sát miễn phí mời liên hệ hotline: 0904 813 959
Các tin khác