Côn trùng là động vật phân đốt, cơ thể côn trùng do 18 – 20 đốt nguyên thủy tạo nên, các đốt này hợp thành 3 phần rõ rệt: đầu, ngực và bụng.
Đầu: là một khối đồng nhất, trên đầu có râu, mắt và phần phụ miệng. Phần phụ miệng côn trùng hại kho chủ yếu là phần phụ miệng kiểu nghiền, một số có kiểu chích hút và vòi hút.
Phần ngực: gồm 3 phần: ngực trước, ngực giữa, và ngực sau. Mỗi phần mang 1 đôi chân ngực, ngực giữa và ngực sau mỗi phần còn mang thêm 1 đôi cánh.
Phần bụng: gồm một số đốt, một số loài ở các đốt cuối cùng có mang thêm phần phụ. (Nguyễn Thị Thu Cúc, 1998)
Sự biến thái
Quá trình sinh trưởng và phát triển của côn trùng kể từ lúc trứng nở cho đến khi trưởng thành có thể có một số thay đổi phức tạp về hình thái bên ngoài cũng như các cơ quan bên trong. Hiện tượng thay đổi này được gọi là sự biến thái.
Ở một số loài, sự biến đổi về hình dạng giữa ấu trùng và thành trùng rất ít, ở một số loài khác sự khác biệt này lại rất lớn, không những về hình dạng mà cả về tập tính sinh hoạt. Mức độ khác biệt này thay đổi tùy theo nhóm côn trùng Nói chung, có thể phân biệt 2 dạng biến thái chính (Nguyễn Thị Thu Cúc, 1998).
Biến thái không hoàn toàn: Vòng đời chỉ có 3 thời kỳ (trứng, sâu non và dạng trưởng thành). Cấu tạo cơ thể của sâu non tương tự dạng trưởng thành, sau mỗi lần thay da (lột xác), sâu non có thêm đặc điểm của dạng trưởng thành (gián thuộc loại biến thái không hoàn toàn).
Biến thái hoàn toàn: Vòng đời có 4 thời kỳ (trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành); sâu non không giống dạng trưởng thành, nhộng không hoạt động (sâu hại thuộc bộ cánh cứng, cánh màng,... thuộc loại biến thái hoàn toàn) (Vũ Quốc Trung, 1982).
Các giai đoạn phát triển
Trứng: Trứng là một tế bào lớn, phía ngoài có vỏ trứng. Vỏ trứng có cấu tạo bởi protein và sáp, tương đối cứng. Trứng thường có hình dạng, kích thước khác nhau tùy loại côn trùng (Nguyễn Thị Thu Cúc, 1998).
Thời kỳ sâu non: Trong quá trình sinh trưởng, sâu non phải lột xác. Trước lúc thay da, sâu non không ăn, hoặc có một thời gian nằm yên. Trong lúc này tế bào tầng nội bì hoạt động mạnh, tạo ra nhiều nếp gấp dưới biểu bì, đồng thời chất dịch thay da làm dịch hóa tầng nội bì, dần dần hình thành một lớp vật chất che phủ mới rất mỏng và cuối cùng sâu non co bắp thịt ở bụng, tăng huyết áp ở phần ngực, lưng gồ lên, nứt biểu bì cũ theo đường lột xác. Sau khi biểu bì rách, sâu non từ từ co giãn, cử động để lột lớp vở ngoài, nhờ trọng lực giúp đỡ để thay da.
Khi thay da, ấu trùng kết hợp thay chi phụ da mới rất mềm, thu hút một lượng không khí, hoặc nước để tăng thể tích cơ thể. Thay da của sâu non rất quan trọng, vì sự trưởng thành của sâu hại trọng tâm là xoay quanh hiện tượng thay da, chỉ có thay da mới phát triển được diện tích mặt ngoài của cơ thể và thay đổi hình dạng bên ngoài.
Mỗi lần thay da thân thể phát triển lớn lên, hình thái có ít nhiều thay đổi, sự sinh trưởng và biến hóa hình thái của sâu hại do thay da đã thành tính quy luật. Thời gian giữa 2 lần thay da là tuổi sâu, từ trứng nở đến thay da lần thứ nhất, gọi là thời kỳ tuổi 1, về mặt dạng sâu thì gọi là sâu tuổi 1. Và cứ thế sau mỗi lần thay da là thêm một tuổi sâu.
Thời kỳ nhộng: Sâu non biến thái hoàn toàn, sau khi hoàn thành sinh trưởng thì thôi ăn, tiêu hủy đường tiêu hóa và tìm nơi ẩn nấp, chuẩn bị hóa nhộng. Trước khi hóa nhộng, sâu non làm kén bằng tơ hay các chất khác để bao bọc cơ thể. Sâu non ở trạng thái yên nghỉ trước khi hóa nhộng, có khi còn gọi là thời kỳ trước nhộng, thay da lần cuối cùng để biến thành nhộng.
Nhộng không hoạt động hay ít hoạt động trong thời gian vài ngày đến mấy tháng, sau đó mọt trưởng thành ở trong phá vỏ nhộng chui ra.
Thời kỳ trưởng thành: Thời kỳ trưởng thành là tuổi cuối cùng, là giai đoạn sinh sản của sâu hại, nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này là giao cấu đẻ trứng để phát triển nòi giống. Hình thái của dạng trưởng thành đã cố định, không tiến hóa nữa. Nói chung việc phân loại sâu hại chủ yếu lấy dạng trưởng thành làm căn cứ (Vũ Quốc Trung, 1981).
Tư vấn và khảo sát miễn phí mời liên hệ hotline: 0904 813 959